Bí quyết giáo dục con cái từ tinh thần “Tôn sư trọng đạo”

2254

Chắc hẳn chúng ta đều được nghe qua và được dạy dỗ về đạo lý tôn trọng và nhớ ơn thầy bạn. Đó là biểu hiện của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong văn hóa giáo dục Việt Nam dù diễn ra ở bất kỳ thời đạo nào. Vậy vì sao ông cha ta đề cao bài học này? Phải chăng tinh thần “Tôn sư trọng đạo” ẩn chứa bí quyết giáo dục con cái mà mọi thế hệ phụ huynh đều cần phải tiếp nhận và duy trì?

Bí quyết giáo dục con cái từ tinh thần "Tôn sư trọng đạo"

“Tôn sư trọng đạo” đã trở thành nền tảng truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Internet)

“Tôn sư trọng đạo” chính là sự tiếp nối của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Chắc hẳn ai cũng biết được bài học giáo dục về tôn trọng và nhớ ơn thầy bạn từ câu tục ngữ “Tôn sư trọng đạo”. Nhưng có thể chúng ta ít nhận biết được “Tôn sư trọng đạo” chính là sự tiếp nối tinh tế của tinh thần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta thuở xưa.

“Uống nước nhớ nguồn”, cũng như hàng nghìn câu ca dao, tục ngữ khác trong kho tàng văn hóa dân gian, đều thể hiện đạo lý “biết ơn”, “nhớ ơn” và “đền ơn” của người Việt Nam. Theo đó, mỗi người đều được giáo dục bài học này từ khi còn tấm bé và được duy trì, tiếp nối và truyền thụ cho con cháu kể cả khi về già. Đạo lý “biết ơn” đã trở thành nền tảng vững chắc trong truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc ta. Khi văn hóa Nho gia du nhập vào Việt Nam, thể hiện qua chế độ học hành – khoa cử, truyền thống “biết ơn” ấy đã được chuyển hóa sao cho phù hợp với thực tế thời đại.

Trong mối tương quan vi mô giữa thầy và trò, mỗi người vẫn được giáo dục và chủ động phát huy tinh thần “biết ơn”, “nhớ ơn” và “đền ơn”. Như vậy, dù có hình tượng “thầy – trò” rất cụ thể, “Tôn sư trọng đạo” chính là sự tiếp nối tinh tế của truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta từ trước tới nay.

Bí quyết giáo dục con cái từ tinh thần "Tôn sư trọng đạo"

Hình ảnh lớp học chữ Hán ngày xưa. (Ảnh: Internet)

Bí quyết giáo dục con cái đề cao tinh thần “biết ơn”

Tinh thần “biết ơn”, như đã nói, chính là nền tảng vững chắc của truyền thống, văn hóa giáo dục của dân tộc Việt Nam. Vậy từ góc nhìn của các bậc phụ huynh, chúng ta có thể đúc kết được bí quyết giáo dục con cái gì, qua đó giúp hình thành nhân cách cao đẹp ở trẻ?

– “Biết ơn” có bản chất chính là biết rõ quy luật tương quan “nhân – quả”: Cái khó của giáo dục trẻ em về lòng biết ơn là làm sao cho trẻ chủ động nhận thức và tự động có hành động biết ơn công lao của cha mẹ, thầy bạn… Vì bởi, trẻ chưa đủ khả năng nhận thức mối tương quan “nhân – quả” giữa sự có mặt của mình hôm nay với các bậc tiền nhân, với thầy cô và bè bạn. Vì thế, gieo mầm giáo dục về lòng “biết ơn” cũng chính là tạo tiền đề khai sáng cho trẻ về nhận thức quy luật “nhân – quả” trong suốt quá trình trưởng thành về sau.

– “Biết ơn” hàm chứa bài học sâu sắc về tính khiêm cung: Khi trẻ đã hiểu được vì sao bản thân mình cần phải biết ơn các đấng sinh thành, thầy cô và bè bạn, trẻ sẽ tự khắc nhận thức được những gì mình có hôm nay chính là quá trình truyền thụ, tiếp nối từ môi trường và các cá thể xung quanh. Nhận thức đó sẽ giúp hình thành tính khiêm tốn, khiêm nhường ở trẻ, giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân và mối quan hệ tương hỗ của mình đối với môi trường xung quanh.

– “Biết ơn” giúp mọi người gián tiếp nhận thức được trọng trách giáo dục đối với thế hệ sau: Những đứa trẻ “biết ơn” hôm nay sẽ là những bậc phụ huynh có trách nhiệm xã hội mai sau. Vì thế, những bài học quý giá mà họ đã tiếp nhận được sẽ được truyền thụ có chủ đích và tự giác cho thế hệ mai sau, qua đó tạo nên dòng chảy luân lưu bất tận về văn hóa giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc về sau.

Bí quyết giáo dục con cái từ tinh thần "Tôn sư trọng đạo"

Các bậc cha mẹ đã và đang sử dụng bạo lực để giáo dục con cái về truyền thống “biết ơn” của dân tộc. (Ảnh: Internet)

Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” trong giáo dục hiện nay ra sao?

Từ góc nhìn của chúng tôi, tinh thần “Tôn sư trọng đạo” trong giáo dục hiện nay đã bị thoái trào nghiêm trọng, từ đó dẫn đến những tác động xã hội tiêu cực vô cùng to lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ quá trình “thương mại hóa giáo dục”, cào bằng và đặt mọi giá trị đạo lý dưới áp lực của đồng tiền.

Những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục hiện nay tăng dần qua từng năm và ngày càng nghiêm trọng. Những cá nhân trực tiếp bị ảnh hưởng không chỉ là phụ huynh, học sinh, thầy cô mà còn trên phạm vi lớn hơn chính là nhà trường và xã hội. Hậu quả để lại là thế hệ con người Việt Nam không được giáo dục tốt, mất đi bản sắc văn hóa dân tộc. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đây chính là mầm họa vô cùng to lớn.

Bí quyết giáo dục con cái từ tinh thần "Tôn sư trọng đạo"

Hành động nhỏ của bạn hôm nay sẽ ảnh hưởng to lớn đến nhân cách con trẻ mai sau. (Ảnh: Internet)

Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bí quyết giáo dục con cái nhìn từ tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Hãy theo dõi Phụ Nữ Gia Đình để được chia sẻ kinh nghiệm hay về giáo dục con cái nói riêng và chăm sóc sức khỏe gia đình nói chung nhé!

Đọc thêm 7 nguyên tắc nuôi dạy con kỷ luật ai cũng nên biết.




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *