Đau, mỏi cổ vai gáy là biểu hiện rất thường gặp, có khi các biểu hiện này lan dọc theo cánh tay tới bàn tay. Đây thường là hậu quả của hiện tượng quá tải cơ vùng cổ gáy, thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ. Để phòng và hỗ trợ điều trị thì việc luyện tập là rất cần thiết, nên tiến hành song song với điều trị nguyên nhân gây bệnh. Hãy cùng tìm hiểu ngay các bài tập ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ thực hiện ngay tại nhà nhé!
Nguyên nhân gây đau vùng vai gáy
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng đau vai gáy. Các nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến là ngồi làm việc, học tập sai tư thế trong thời gian dài, lái xe, làm việc liên tục với máy tính…; Bị nhiễm nóng lạnh đột ngột làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ dẫn đến hội chứng đau vai gáy.
Ngoài ra, hội chứng đau vai gáy còn có thể do các bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ, ung thư, lao, u hố sau… hay gặp ở những người hay nằm nghiêng, co quắp, ngồi làm việc, sinh hoạt sai tư thế. Khi cơ thể yếu mệt, tốc độ hoạt động của hệ tuần hoàn giảm, việc lưu thông máu và trao đổi oxy trong cơ thể giảm cũng sẽ dễ bị đau nhức khi ngủ dậy. Đôi khi có những trường hợp hội chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Do diễn biến của bệnh kéo dài, gây khó chịu trong sinh hoạt, khó tập trung trong công việc, các biến chứng hẹp ống sống do thoát vị hoặc do thoái hóa cũng có thể gây yếu tay chân. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì việc hỗ trợ điều trị bằng cách luyện tập là rất cần thiết.
Một số bài tập hỗ trợ
Bài tập xoay cổ
Giữ thẳng cổ. Xoay đầu sang một bên tối đa có thể làm được, giữ lại tư thế này khoảng 5 giây. Xoay sang bên đối diện và cũng giữ tư thế này khoảng 5 giây. Mỗi lần tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ngày.
Bài tập nghiêng cổ hai bên
Giữ thẳng cổ. Nghiêng đầu từ từ sang một bên tối đa có thể làm được. Giữ tư thế nghiêng này khoảng 5 giây. Trở lại vị trí ban đầu, rồi nghiêng sang bên đối diện. Mỗi lần tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ ngày.
Bài tập cúi ngửa cổ
Giữ thẳng cổ. Từ từ cúi cổ tối đa rồi ngửa cổ tối đa. Mỗi lần tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ ngày.
Bài tập mạnh cơ cổ
Tập mạnh cơ hai bên cổ bằng cách ngồi giữ thẳng cổ. Dùng bàn tay đặt vào một bên đầu, dùng lực của cơ cổ đẩy nhẹ vào bàn tay này; giữ trong khoảng 5 giây. Đổi bên và cũng làm như vậy và cũng giữ trong khoảng 5 giây. Mỗi bên tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ngày.
Bài tập mạnh cơ cổ phía sau
Ngồi giữ thẳng cổ, đặt hai bàn tay giữ ở vùng chẩm. Ngửa cổ về phía sau, đồng thời hai bàn tay kéo ngược lại phía trước tạo nên một kháng lực vùng cơ cổ phía sau. Giữ liên tục trong khoảng 5 giây. Mỗi lần tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ngày.
Bài tập mạnh cơ cổ phía trước
Ngồi giữ thẳng cổ, hai tay đặt trước trán. Cúi đầu về phía trước, đẩy nhẹ vào hai bàn tay, tạo nên kháng lực ở vùng cơ cổ phía trước. Giữ trong khoảng 5 giây. Mỗi lần tập 5-10 động tác, tập 2-3 lần/ngày.
Tự xoa bóp vùng cổ
Cổ hơi cúi nhẹ, dùng 3 đầu ngón tay giữa vuốt dọc vùng cổ từ dưới lên trên theo 3 đường: Dọc 2 khối cơ cạnh cột sống cổ và dọc theo cột sống cổ. Làm 10-15 lần cho mỗi đường, ngày làm 2-3 lần.
Ý nghĩa của việc tập luyện
Các khối cơ vùng cổ được chắc khỏe, luôn đều đặn, cân xứng hai bên và không bị co cứng quá mức, không bị mềm nhẽo quá mức. Tư thế cột sống cổ ở đúng trạng thái sinh lý, như thế sẽ giảm được đau, mỏi. Các khoang gian đốt sống và khớp đốt sống được thư giãn, tạo điều kiện cho các mạch máu giãn nở giúp nuôi dưỡng tốt hơn cho cột sống cổ, giúp phòng và chống lại quá trình thoái hóa.